Vân Đồn danh tỏa đất linh hiền tài
(Xây dựng) - Tiết Đông chí, đây đó khát nẻ ruộng đồng, nhưng vùng Đông Bắc địa đầu Việt Nam những đụn mây õng nước vẫn bao phủ núi đồi. Trong lộng nước triều liếm bờ cát trắng, ngoài khơi văng vẳng tiếng sóng gọi thuyền. Những ngọn xanh dập dờn trong sương mù trắng đục như sóng bạc vờn cồn. Màu lá rừng ấy là quần đảo Vân Đồn, nơi 20 hòn đảo có người ở trong số 600 hòn đảo trồi lên trên mặt vịnh Bái Tử Long.
Bến Cái Rồng trên đảo Cái Bầu.
Trầm tích quần đảo này nhiều lần thay tên đổi họ theo địa giới hành chính, khi thuộc huyện, khi thuộc châu, thuộc trấn. Tiền sử, thời Lý là một trang nhỏ thuộc đạo Hải Đông, thời Trần thuộc lộ An Bang, thời Lê Trung Hưng thuộc huyện Hoành Bồ, phủ Hải Đông. Ngày 26/7/1884, Quan tổng quản Phạm Thận Duật thay mặt triều đình nhà Nguyễn bán vùng than Đông Bắc cho Pháp, thực dân Pháp mở mỏ than Kế Bào ở đảo Cái Bầu (Cái Bầu còn có tên gọi là đảo Kế Bào). Kế Bào cùng một số đảo lân cận thuộc vùng than Cẩm Phả. Tháng 12/1948, Chính phủ thành lập huyện Cẩm Phả (được tách ra khỏi thị xã Cẩm Phả). Huyện Cẩm Phả khi đó gồm 18 xã gồm: Bản Sen, Bình Dân, Cô Tô, Thanh Lân, Cộng Hòa, Đài Xuyên, Ðoàn Kết, Ðông Xá, Hạ Long, Minh Châu, Ngọc Vừng, Quan Lạn, Tân Hải, Thạch Hà, Thắng Lợi, Văn Châu, Vạn Hoa và Vạn Yên. Trong đó, xã Tân Hải chuyển từ thị xã Hồng Gai (nay là thành phố Hạ Long) về huyện Cẩm Phả vào năm 1958. Ngày 23/3/1994, huyện Cẩm Phả được Chính phủ đổi tên là huyện Vân Đồn, riêng 2 xã Cô Tô, Thanh Lân được tách ra để thành lập huyện đảo Cô Tô. Huyện Vân Đồn gồn 11 xã, thị trấn, đảo Cái Bầu lớn nhất có 6 xã và là trấn lỵ của huyện.
Ông Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, thời kỳ làm Bí thư Tỉnh ủy Quang Ninh đặt nét bút đầu tiên vẽ lại bức tranh Vân Đồn.
Tên Vân Ðồn có nguồn gốc từ tên núi Vân Sơn (núi có mây phủ) ở làng Vân trên đảo Vân Hải gồm 2 xã: Minh Châu và Quan Lạn. Quần đảo này ở vị trí tiền tiên, cửa ngõ biên hải phía Bắc. Ngay từ năm 980 (tiền Lê), triều đình đã bố phòng ở đây một tiền đồn (đồn canh vọng gác), đồn canh dưới chân núi Vân gọi là Vân Đồn. Năm 1149, (triều Lý) vua Lý Anh Tông chính thức lập trang Vân Ðồn, đồng thời xây dựng Vân Đồn thành thương cảng đầu tiên của nước Đại Việt. Thương cảng Vân Đồn phồn thịnh suốt 3 triều: Lý - Trần - Hậu Lê (Lê sơ).
Vân Đồn không chỉ có lợi thế về kinh tế cảng biển- du lịch và nguồn lợi thủy sản, dưới lòng đất còn ẩn chứa nhiều kho báu như: Vàng sa khoáng, than còn trữ lượng 107 triệu tấn; mỏ quặng sắt 154.000 tấn; cát pha lê trên 13 triệu tấn…Nhưng Vân Đồn như đụn vàng, đụn bạc bỏ hoang trên 700 năm nay. Năm 2007, Chính phủ phê duyệt quy hoạch xây dựng Khu kinh tế Vân Đồn. Niềm vui nối tiếp niềm vui, Vân Đồn là một trong 3 địa phương được được Đảng, Nhà nước cho phép nghiên cứu thành lập khu hành chính-kinh tế đặc biệt của quốc gia. Quần đảo vùng Đông Bắc này như “có một bàn tay thần kỳ” đánh thức tiềm năng chìm sâu trong giấc ngủ thiên niên. Và Vân Đồn chính thức bật dậy từ nhân tố con người, người đứng mũi chịu sào có những định hướng sáng suốt “hội tụ-lan tỏa”. Hội tụ trí lực, lan tỏa lợi ích, đã kêu gọi được các nhà đầu tư chiến lược, thực lực đến phục hóa quần đảo này bằng nguồn vốn ngoài ngân sách. Doanh nghiệp tiên phong phải kể đến Tập đoàn “khổng lồ” Sungroup, xây dựng nền móng kinh tế bằng cách mở cửa hàng không, kết nối giao thương quốc tế; bằng ngành công nghiệp “không khói”. Một ý tưởng táo bạo chưa có trong tiền lệ, về một chiến dịch “thần tốc” giải phóng mặt bằng (GPMB) quyết liệt. Di dân cả thôn cả xã, hy sinh quyền lợi nhỏ vì mục tiêu phát triển kinh tế lớn. Một con số ví dụ: Năm 2011-2015, huyện Vân Đồn thu hồi đất cho 37 dự án với diện tích sử dụng đất 1.265,944ha, trong đó có 25,67ha đất ở; 28,67ha đất sông ngòi; 1211,604ha đất nông nghiệp; 2.042 hộ gia đình bị ảnh hưởng, trong đó 350 hộ phải di rời hoàn toàn.
Ông Nguyễn Văn Đọc - Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo sát sao tại hiện trường.
Đất “sạch” đã níu chân nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Vân Đồn đã thu hút được trên 55.300 tỷ đồng (tương đương 2,5 tỷ USD) vào các ngành giao thông, du lịch, vui chơi giải trí…Trong đó đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước chỉ chiếm 8,7%, tương ứng với 4.787 tỷ đồng. Khoản chi ấy chủ yếu dùng để GPMB, xây dựng kết cấu hạ tầng, đường sá, điện nước, tái định cư và an sinh xã hội. Khoản tiền lớn 50.513 tỷ đồng, chiếm 91,3% từ nguồn vốn ngoài ngân sách đầu tư vào các công trình chính, có trên 36.000 tỷ đồng vốn đầu tư theo hình thức đối tác công - tư.
Xuân này Vân Đồn đón lộc Thần tài, các công trình lớn mọc lên hệt lộc xanh trong tiết xuân: Đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn và cải tạo nâng cấp QL18A đoạn Hạ Long - Mông Dương, dài 53,6km, tổng mức đầu tư 13.988 tỷ đồng; Đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái có tổng chiều dài khoảng 80,2 km, tổng mức đầu tư 16.000 tỷ đồng; Hồ chứa nước Đồng Dọng có dung tích 9,52 triệu m3, tổng vốn đầu tư 498,7 tỷ đồng; Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn quy mô cấp 4E, với đường cất hạ cánh dài 3,6km, đón được các máy bay hiện đại như Boeing 777, 787, A350 với công suất 5 triệu lượt khách/năm, tổng vốn đầu tư gần 7.500 tỷ đồng; Khu dịch vụ du lịch phức hợp cao cấp có casino quy mô diện tích trên 2.500ha, tổng vốn đầu tư trên 46.500 tỷ đồng.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long chỉ đạo các sở, ngành và các địa phương tập trung cao độ cho công tác thu hồi đất, GPMB đường cao tốc Hạ Long-Vân Đồn.
Cầu Cẩm Hải, cây cầu cuối tuyến đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, vượt sông Voi lớn nối đất liền với đảo Cái Bầu dài 726m, khổ rộng 24,25m, gồm 2 mố, 15 trụ, 16 nhịp, kết cấu cầu đôi bản 4 làn xe chạy tốc độ 100km/h, giá trị đầu tư 462 tỷ đồng vừa hợp long. Con đường dẫn dài 5,9km từ Cảng hàng không đến mố cầu đã thông tuyến, nhà thầu vui vẻ cho biết phấn đấu hoàn công trước tết Mậu Tuất.
Xuân mới vùng hải đảo này có nhiều nét mới, quần đảo hàng ngày có trên 500 phương tiện xe, máy, 4.500 công nhân rộn rã làm việc 3 ca/trong ngày. Tuy mùa hanh mà đất trời vùng Đông Bắc còn õng nước, khó san nền khó xây cất, nhưng các nhà thầu vẫn chạy đua với thời gian, phấn đấu hoàn tất một số hạng mục trước mùa mưa. Cả quần đảo chuyển động như một đại công trường xây dựng lớn, thi công xây lắp với tốc độ “truy phong”; diện mạo công trình thay đổi từng ngày từng giờ. Mới ngày nào khu vực xã Đoàn Kết còn đồi hoang cỏ dại, đầm lầy phơi màu đất mới, nay đã hình thành một phi trường phằng phiu, dài khuất tầm mắt.
Khu tái định cư xã Đoàn Kết rộng 73,6ha cấp cho 300 hộ di chuyển, một số hộ đã xây nhà ở.
Khoảnh khắc mùa khô trong tiết đón xuân về, quần đảo vùng Đông Bắc chào xuân bằng sự khai sinh ra những công trình, hạng mục công trình bề thế, siêu lớn. Vân Đồn còn ấp ủ, còn “thai nghén” những công trình sau lớn hơn công trình trước, như “lớp sóng sau cao hơn lớp sóng trước” ở vùng biển này.
Bên thềm năm mới, xuân 2018 Dự án Con đường di sản Vân Đồn, do Cty CP Vân Đồn Heritage Road làm chủ đầu tư, đã chính thức trình làng, với quy hoạch trên 3.300ha, bao gồm 7 phân khu trên núi và phân khu các đảo. Dự án được chia thành 9 phân khu chức năng: Hải Vân - Resort chủ đề đại dương; Kỳ Vân - Khu dân cư cao cấp; Lâm Vân - Khu sinh thái; Vân Uyển - Làng tiên cảnh trên đỉnh đồi; Vân Hạc - Sân golf trên đồi; Vân Tịnh - Khu du lịch tâm linh; Lạc Vân - Khu sườn núi cao cấp; Vân Cảng - Khu Resort bờ biển; Ngọc Vân - Cụm đảo kỳ vỹ. Dự án nằm ở phía Tây Bắc khu đô thị Cái Rồng, kéo dài từ xã Đông Xá đến hết xã Hạ Long. Con đường di sản Vân Đồn là chuỗi liên kết chặt chẽ các hoạt động vui chơi giải trí đa dạng. Ở đó có trung tâm hội nghị, trung tâm trình diễn, trung tâm thương mại, nhà hàng, trung tâm chăm sóc sức khỏe, spa, sân golf, công viên nước, công viên mạo hiểm, nhạc nước, du lịch tôn giáo, bến du thuyền và sân bay lên thẳng.
Quần đảo Vân Đồn hàng ngày có 500 xe, máy, 4.500 công nhân xây dựng làm việc 3 ca.
Một công trình đồ sộ nữa đang hé mở là Dự án xây dựng khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế ở đảo Ngọc Vừng, do Cty TNHH Đầu tư và phát triển FLC Faros Vân Đồn, thuộc Tập đoàn FLC làm chủ đầu tư. FLC đã lập hồ sơ quy hoạch chia đảo Ngọc Vừng thành 5 vùng kinh tế trọng điểm, gồm khu dân cư và sinh thái rừng ngập mặn; khu dịch vụ nghỉ dưỡng(khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng ven biển, nhà hàng); khu nghỉ dưỡng sinh thái; khu thể thao tổng hợp; khu sinh thái rừng cảnh quan phòng hộ.
Vân Sơn xưa thương cảng sầm uất các vương triều Đại Việt, Trần triều nổi danh thắng giặc ngoại xâm, ngày nay Vân Đồn bức tranh kinh tế tỏa sáng. Trước đây Vân Đồn giao thương trong vùng biển, ngày nay khi đường không cất cánh sẽ nâng tầm thương mại cao hơn, xa hơn, nối vòng tay lớn với bầu bạn năm châu bốn bể. Những đô thị mới hiện đại, những sân golf, resort, dịch vụ du lịch cao cấp hút hồn du khách thập phương, đưa lại ích nước lợi nhà.
Người đặt nét bút đầu tiên vẽ lại bức tranh Vân Đồn đã rõ, nhưng danh còn ẩn. Trước sau cũng phát lộ hiền tài, người biến tiềm năng thành hiện thực. Xuân mới, Vân Đồn danh tỏa đất linh hiền tài.